Mùa trekking Đông Tây Bắc đã bắt đầu! Để giúp mọi người có cái nhìn trực quan hơn về độ khó và độ mệt của từng cung trekking leo núi, mình sẽ xếp hạng các cung trekking từ thấp đến cao, theo các tiêu chí như: độ mệt khi leo dốc, độ cheo leo, hiểm trở, độ bào sức trong quãng đường di chuyển và cả hướng xuất phát nữa.
Bảng xếp hạng không dành cho với các dân chuyên đi trong ngày hoặc rút ngắn cung 3 ngày xuống 2 ngày.
Level 1: Nhập môn
– Hàm Lợn (462m) đi trong ngày.
– Cửa Tử: Đại Từ, Thái Nguyên đi trong ngày.
– Phia Bò (1541m) đi 2n1d cắm trại qua đêm.
– Lảo Thẩn (2860m) đi 2n1d di chuyển 400km từ Hà Nội lên Phình Hồ, Y Tý.
Đây là nhóm dễ nhất, phù hợp với người mới trẻ con cũng đi được.
Level 2: Khởi động
– Lùng Cúng (2913m) đi 2n1d theo hướng Tu San, thêm 26km xe ôm.
– Samu (2756m) đi 2n1d ở Xím Vàng, Bắc Yên.
– Tây Côn Lĩnh (2431m) đi 2n1d Vị Xuyên, Hà Giang.
– Tả Liên Sơn (2996m) đi 2n1d bản Tả Lèng Tam Đường Lai Châu đi xe ôm 10km.
Đây cũng là nhóm mình thích nhất do có nhiều rừng nguyên sinh đẹp, nhóm này cũng dễ đi với người mới.
Level 3: Tăng tốc
– Tà Chì Nhù (2979m) đi 2n1d nóc nhà Yên Bái đang trong mùa hoa Chi Pâu.
– Fansipan (3143m) đi 2n1d hướng Trạm Tôn Trạm Tôn 16km mỗi chiều.
– Tà Xùa (2865m) đi 2n1d hướng Trạm Tấu, đây là một trong những cung săn mây đẹp và đa dạng nhất với mình.
– Ngũ Chỉ Sơn (2858m) đi 2n1d đi hướng Tả Giảng Phìn lý do xếp trên Tà Xùa do có bậc thang hiểm trở.
– Nhìu Cồ San (2965m) đi 2n1d đi thác ong về bãi dê. Khoảng 18km 2 chiều, ngắn nhưng dốc, nhiều điểm check in đẹp.
– Chua Va 12 (2751m) đi 2n1d, chỉ đi Chu Va.
– Lùng Cúng (2913m) đi 2n2d hoặc 3n2d, độ dài tăng lên gấp đôi nếu đi theo hướng Tà Cùa Y.
– Pu Ta Leng (3049m) đi 2n1d hướng Tả Lèng, quãng đường đã được dễ hoá đi kha khá.
– Khang Su Văn (3012m) đi 2n1d đỉnh biên giới thuộc Phong Thổ Lai Châu, khá nhiều dốc và dốc.
Đây là nhóm được khai thác nhiều nhất, mới đi có luyện tập cũng đi được.
Level 4: Thách thức
Level của những người đã hiểu và đi một số cung trekking:
– Bạch Mộc Lương Tử (3046m): 3n2d, xét về tổng hoà thì Bạch Mộc là đỉnh đẹp nhất với cảnh quan đa dạng. Độ khó giữa level 3 và 4 nhưng do phải đi 3 ngày nên mình xếp nhóm này.
– Fansipan (3143m): 3n2d hướng Cát Cát Sín Chải, đi cung này đẹp hơn nhưng dài và khó hơn.
– Pu Ta Leng (3049m): 3n2d hướng Sì Thâu Chải, level cao nhất hiện tại của cung này, đẹp nhất nhưng cũng dài nhất và mệt nhất.
– Pờ Ma Lung (2967m) – Chung Nhía Vũ (2918m): 3n2d đỉnh biên giới tiếp theo, dốc thôi rồi, nhiều suối đẹp, tương đối mệt với quãng đường di chuyển xa và địa hình dốc. Đi mệt nhất trong nhóm này.
Đây là nhóm cho người có sức khoẻ để đi, người mới đi cần có luyện tập hoặc chơi thể thao trước.
Level 5: Chinh phục
Đến với những cung trekking cuối cùng, những cung trekking được coi là tốt nghiệp khoá leo núi Tây Bắc Việt Nam
– Pu Si Lung (3083m) 3n2d, huyền thoại leo núi một thời với quãng đường cũ dài khóc thét 60km nay đã được rút ngắn chỉ còn gần 40km, cộng với quãng đường di chuyển xa nhất từ Hà Nội đến chân núi, khá là khó nhằn, đây là cung dài và xa nhất.
– Chu Va 12 (2751m) + Kang Chu Thìa Sảng (2403m) 3n2d, ngắn nhưng hiểm trở thôi rồi, sở dĩ xếp vào nhóm này vì đoạn sang Kang Chu cực kỳ nguy hiểm. Đây là cung hiểm trở nhất.
– Nam Kang Ho Tao (2881m) hướng Lai Châu x2, không dài như Pu Si Lung hướng cũ (thực tế cũng 48km rùi, giờ là dài nhất luôn) không hiểm trở như Kang Chu nhưng mà tổng quan 2 thứ lại cùng đặc sản “kẹo lạc” thì top 1 theo đánh giá cá nhân. Bù lại rừng nguyên sinh, suối đẹp thôi rồi. Hùng vĩ, hiểm trở phấn khích kèm một chút sợ hãi là những gì bạn có thể cảm nhận được.
Nhóm này thì trước khi đi phải xơi vài cung của các level trước rồi mới trôi.
Cá nhân mình làm tour trekking Đông Tây Bắc, khi đánh giá khả năng của khách hàng thì level 1-3 có thể đi bắt đầu đc với sức khoẻ và luyện tập cá nhân, khoẻ thì level 4 cũng được, chống chỉ định với level 5.
— Nguồn: Tùng Lâm —